Thứ Ba, 5 tháng 4, 2022

Rời đi, ra khỏi vùng an toàn, chấp nhận và trưởng thành

 Rời đi, ra khỏi vùng an toàn, chấp nhận và trưởng thành

Tôi có không ít lần lo lắng và căng thẳng trong một khoảng thời gian khá dài, chẳng ích lợi gì cho bản thân. Cũng chỉ vì cả nể, sao cũng được, rồi ôm ưu tư vào lòng mà suy nghĩ miên man đến một lúc chẳng thể chịu được nữa và bung nóc. 

Dù bạn đã trải qua hay sắp trải qua những điều này, rất nhiều lần lo lắng, suy nghĩ luẩn quẩn vòng vo hoài mà chẳng thể giải quyết được vấn đề gì. Nhiều lúc chạy trốn không muốn nhắc đến, dù là gì đi nữa thì vấn đề vẫn đang bế tắc ở đó và không thể giải quyết. Những căng thẳng nho nhỏ đó là những cái vòi châm làm cho bạn rất khó chịu, đau thì không đau hẳn những mà về lâu về dài sẽ làm cho bạn cực kỳ khó chịu. Chỉ cần một vài lần gợi lại cho bạn thì bao nhiêu thứ cảm xúc dồn nén sẽ được bung ra ngay tức khắc.

Và cũng rất nhiều lần thì chúng ta thường chạy trốn vấn đề bằng nhiều hình thức khác nhau. Có khi bạn làm mà bạn không hề hay biết mình đang làm gì, thường thì tôi cũng hay biện minh cho những điều đó, và có những lúc chợt nhận ra là mình đang chạy trốn, né tránh không giải quyết vấn đề, nhiều lần như thế thì tưởng như là ổn và tốt nhưng không phải thế, vì đó là một cơ chế tự động trong phần “bản thân mình không biết – vô thức” 

Nhắc đến việc “chạy trốn, né tránh, xóa bỏ, bóp méo và khái quát” là một trong những biểu hiện và cơ chế mà chúng ta không thể kiểm soát hay làm bất cứ điều gì khác, vì nó tự động diễn ra. Khi được ai đó chân thành nói cho bạn biết cần phải làm gì thì ngay lúc đó việc “phản kháng lại” là đương nhiên.

Để có hành vi thói quen mới thì cũng không tránh khỏi những lần để ra quyết định một cách đau đớn. Đó là việc rời đi và ra khỏi vùng an toàn, những cụm từ này tôi được nghe ở đâu đó rất nhiều lần, và để trải nghiệm và đi qua nó thì không ít lần phải thực sự can đảm để làm một điều gì đó ngoài sức tưởng tượng của bản thân.

Chấp nhận những vấn đề vốn dĩ mình đang có như là mình đang có cũng khó lắm. Không hề đơn giản và chưa hề dễ dàng mà vẫn phải làm thôi. Cũng như “Bonsai” muốn đẹp thì phải chịu cắt tỉa, phải chịu uốn và chịu áp lực và vượt ra khỏi tầm kiểm soát để đạt được những điều tuyệt vời hơn.

Chấp nhận hiện tại, thừa nhận vấn đề hiện tại để lao vào xử lý, ra khỏi cái vỏ bọc an toàn, đến một môi trường mới và hãy thử sức can đảm xây dựng lại những mối quan hệ xung quanh, từng điều  nho nhỏ trước, cũng như việc bạn “đốt cầu phía sau lưng bạn” và việc tiến lên là việc của bạn không ai khác làm giùm cho bạn được. Nhiều khi không dám đốt cầu là chuyện bình thường vì nỗi sợ về sự đánh giá, sợ mất quyền lợi, sợ mất mối quan hệ…Một khi mình còn sợ thì khi đó cơ chế “né tránh” đang hoạt động rất tinh vi, và đó là một trong những kẻ thù nội tâm rất đáng được nhắc đến ở đây.

Việc phát triển và nâng tầm bản thân thực sự thì cũng không tránh khỏi những gánh nặng vô hình này, cái gánh nặng của việc áp lực mọi thứ và dẫn đến việc né tránh không đối diện với vấn đề cần phải ra quyết đinh: “rời đi ra khỏi vùng an toàn” và chấp nhận tìm giải pháp trưởng thành hơn.

Việc rời đi ra khỏi vùng an toàn thường thì cũng làm được mấy bữa tốt lành. Nếu không được đồng hành và nhắc nhở chia sẻ rồi đâu cũng lại vào đấy, tính liên tục rất quan trọng để hình thành những thói quen mới. Dù có ra quyết định rồi cảm giác đau đớn cũng phải làm để một lần được trưởng thành hơn.

Nhớ lại lần ra quyết định cách đây sáu năm trước của tôi để hướng đến việc phát triển bản thân là một ví dụ cụ thể cho việc rời khỏi vùng an toàn nó thách thức đến mức độ nào. Cảm giác sợ hãi và sợ vì phải thích nghi với những điều cực kỳ mới và chưa biết phải làm gì, làm như thế nào, đi về đâu, rồi sẽ ra sao, rồi câu hỏi tiền đâu để học và làm, và mông lung chới với như “cây bèo lục bình trôi sông vậy”. Khi phải thay đổi một điều gì để làm một điều khác mới thường thì tôi và rất nhiều người trong số chúng ta mất rất nhiều thời gian để bắt đầu lại, tiếp cận với điều mới và cảm giác bị hụt hẫng mất một thứ quan trọng bấy lâu nay, cái cảm giác nuối tiếc vì phần thưởng phụ xung quanh việc ra quyết định quá lớn, khiến chúng ta không thể ra quyết định, tính hay “cả nể” trong mọi việc phải không nào?

Làm sao để thoát khỏi những rào cản: “sự cả nể, cơ chế né tránh, và sự xung đột nội tâm thường xuyên diễn ra, chọn điều A hay điều B cứ lăn tăn hoài”, bạn có bao giờ đặt câu hỏi này để tìm cách giải quyết cho chính mình hay chưa, và bạn chợt nhận ra là rất nhiều lần mình đã như thế, thường xuyên né tránh giải quyết vấn đề, sao cũng được, gì cũng được, rồi mâu thuẫn nội tâm giày vò liên tục khiến mọi suy nghĩ tự động ngày một gia tăng. Chính những vòi châm nho nhỏ ấy khiến bạn ra quyết định rất khó khăn, vì thế cần phải thay đổi một điều gì, và vượt qua nỗi sợ hãi, đi qua những trải nghiệm thực tại đời mình để một lần được trưởng thành, phải không nào?

Và cũng xin chúc mừng ai đó đang bắt đầu hành trình khởi sự hướng đến con người mới bình an hơn. Và tôi vẫn thích điều cốt lõi nhất lòng biết ơn cùng với sự khiêm tốn để dám ra quyết định và yêu luôn những gì mình đã quyết định và chọn lựa. Và cũng nhắc lại là không hề dễ dàng chút nào nhé! Trải nghiệm đi thôi nào và bắt đầu tiến lên

Đi ra khỏi vùng an toàn bằng sự can đảm và yêu thương chính mình là không hề dễ dàng chút nào. "Sợ thì vẫn phải sợ mà vẫn phải làm". Quay trở lại bạn đang thực sự muốn gì trên hành trình phát triển bản thân? Làm cho những điều mình mong muốn cách rõ ràng bao nhiêu thì việc đạt được là một thành tựu đáng để chúc mừng bấy nhiêu. Chúc may mắn và bình an, can đảm và tiến lên!

#QuanSatBanThan

#HieuMinhHieuNguoi

#GiaoTiepHieuQua

#RaKhoiVungAnToan

#ConNguoiMoi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự trì hoãn thay đổi

 Con người ai cũng muốn thay đổi Và để thay đổi thì họ luôn có một sự trì hoãn cực kỳ lớn Bạn có biết vì sao không?